Máy ép thủy lực là loại máy được sử dụng phổ biến trong đời sống hiện nay, đặc biệt là trong các hoạt động của một số ngành công nghiệp đồng thời đóng vai trò lớn trong công cuộc công nghiệp hóa đất nước. Cùng tìm hiểu chi tiết máy ép thủy lực là gì, cấu tạo và công dụng của loại máy này như thế nào ?
Đi cùng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, rất nhiều loại máy móc cơ khí được sản xuất trong nước và máy cơ khí nhập khẩu về Việt Nam giúp nâng cao năng suất công việc, giải phóng sức lao động đồng thời thực hiện các nhiệm vụ mà con người khó có thể thực hiện được. Một trong số đó chính là máy ép thủy lực, đây là loại máy đóng vai trò quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp hiện nay, đặc biệt là công nghiệp chế tạo và hàng loạt công việc gia công khác đồng thời nó còn được cải tiến và ứng dụng trong nhiều hoạt động khác nhau của đời sống. Dưới đây Tân Hoàng Phát giới thiệu chi tiết máy ép thủy lực là gì, cấu tạo của máy ép thủy lực như thế nào cùng với ứng dụng của loại máy này trong đời sống thực tế.
Máy ép thủy lực là gì?
Máy ép thủy lực hay còn được gọi là máy thủy lực là một loại máy ép thông dụng trong đó sử dụng kích thủy lực để tạo ra một lực nén. Hiểu một cách đơn giản hơn thì đây là loại máy ép sử dụng áp lực tác động lên chất lỏng để nén ép hoặc đè bẹp một vật dụng hay chất liệu nào đó tùy theo yêu cầu. Hoạt động của loại máy này tương tự với hệ thống thủy lực của một đòn bẩy cơ khí. Sức mạnh của máy thủy lực là rất lớn với khả năng ép được các thanh thép nặng đến vài trăm tấn thành các hình dạng tùy ý trong thời gian nhanh chóng.
Máy ép thủy lực đang được ứng dụng rất phổ biến trong các ngành công nghiệp chế tạo và cả trong đời sống nhờ khả năng ép được nhiều vật liệu và chất liệu khác nhau với lực nén lớn.
Nguyên lý tạo ra lực ép cực lớn cho máy ép thủy lực chính là nhờ nó được chế tạo theo định luật truyền áp suất trong chất lỏng dựa theo nguyên lý định luật Pascal, trong đó khi áp suất được áp dụng trên các chất lỏng ở một hệ thống kín thì áp lực trong toàn hệ thống khép kín đó là luôn luôn không đổi. Các loại máy ép sử dụng kích thủy lực đều được trang bị hai chiếc kích dung tích khác nhau đồng thời hai kích có đường ống nối với nhau, trong từng kích lại có một piston vừa khít. Ở hệ thống này, có một piston hoạt động như một máy bơm với một lực cơ khí khiêm tốn trên diện tích mặt cắt ngang nhỏ, một piston khác với diện tích lớn hơn tạo ra một lực tương ứng lớn trên toàn bộ diện tích của piston đó. Điều đó giải thích tại sao máy ép thủy lực lại có áp lực lớn đến như vậy để có thể thực hiện được các công việc đòi hỏi sức mạnh và công suất nén lớn trong các ngành công nghiệp chế tạo hiện nay.
Các loại máy ép thủy lực phổ biến hiện nay
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại máy ép thủy lực khác nhau được phân chia thành các dòng máy cụ thể.
– Xét theo cách thức vận hành thì cơ bản có thể chia máy thủy lực làm hai loại chính đó máy ép thủy lực hoạt động bằng điện và máy ép thủy lực hoạt động bằng tay.
– Xét về hình dáng máy và cấu tạo có máy ép thủy lực chữ C, máy ép thủy lực chữ H, máy ép thủy lực 4 trụ hoặc máy ép thủy lực 2 trụ.
– Xét theo vật liệu ép, loại máy này có thể chia thành máy ép thủy lực cho kim loại và máy ép thủy lực cho phi kim loại. Các loại máy ép cho kim loại có thể kể đến như máy ép dập tấm, máy ép phế liệu kim loại, máy ép chảy hoặc máy ép đùn các sản phẩm dạng ống, thanh từ thép hoặc hợp kim màu, máy rèn thủy lực tự do và dập thể tích, máy rèn khuôn,…Trong khi đó máy thủy lực cho phi kim loại chủ yếu là máy ép bùn, máy ép bột, máy ép chất dẻo, máy ép giấy vụn, máy ép rác,…
– Xét theo áp lực và công suất tạo ra thì máy ép thủy lực được chia thành các loại máy ép công suất nhỏ và công suất lớn như máy ép 10 tấn, máy ép 100 tấn, máy ép 250 tấn hoặc có thể lên tới trên 10.000 tấn. Thông thường các máy ép thông dụng và phổ biến nhất trên thị trường hiện nay là máy ép có công suất nhỏ thường dao động từ 10 tấn cho đến 100 tấn bởi cấu tạo đơn giản đồng thời đủ để đáp ứng tốt nhu cầu ép nhiều loại vật liệu với kích thước khác nhau. Trong khi đó, rất ít quốc gia có thể chế tạo được máy nén thủy lực có công suất lớn trên 10.000 tấn, chính vì vậy trên thế giới chỉ có vài chục chiếc máy ép loại này điển hình Nhật Bản và Ý là hai quốc gia đi đầu về mặt công nghệ trên các loại máy ép thủy lực công suất lớn. Đặc biệt Trung Quốc là quốc gia có thể chế tạo được máy ép thủy lực tự do có công suất lên tới 12.000 tấn với khả năng ép các phôi thép nặng 250 tấn một cách hiệu quả.
Cấu tạo của máy ép thủy lực như thế nào ?
Thông thường kết cấu của một chiếc máy thủy lực thường bao gồm 3 phần chính, trong đó quan trọng nhất là hệ thống thủy lực nơi thực hiện các hoạt động ép thủy lực, tiếp theo là hệ thống điều khiển giúp người điều khiển thiết lập quá trình ép thủy lực theo ý muốn, cuối cùng là phần thân khung máy với kết cấu chắc chắn được sản xuất trên dây chuyền cơ khí công nghệ cao đảm bảo độ cứng cần thiết trong quá trình ép thủy lực.
Máy thủy lực hiện nay rất đa dạng chức năng, với một cụm tạo lực bơm – kích – piston có thể lắp đặt thành nhiều dạng máy khác nhau phục vụ các nhu cầu và mục đích cụ thể trong quá trình sản xuất, chế tạo như ép rác, ép bùn hay ép phế liệu.
Công dụng và ứng dụng thực tế của máy thủy lực là gì ?
Máy ép thủy lực được ví như người khổng lồ trong ngành công nghiệp chế tạo với sức mạnh lớn đồng thời mang lại hiệu quả vượt trội trong công việc. Với khả năng tạo ra một lực nén lớn nhờ kích thủy lực, loại máy này có công dụng rất lớn đồng thời được ứng dụng rộng trong việc sử dụng để ép, tháo lắp, nắn thẳng, định hình các chi tiết máy móc hoặc các vật liệu trong ngành công nghiệp. Nó đặc biệt hiệu quả khi ép các khối kim loại có kích thước và trọng lượng lớn mà con người và nhiều loại thiết bị khác không thể làm được. Bên cạnh đó, máy ép thủy lực còn được cải tiến để sử dụng trong các ngành nghề thông dụng như máy ép bùn, máy ép sắt vụn, máy ép giấy vụn, máy ép rác thải loại…mang lại lợi ích vượt trội. Sử dụng các loại máy thủy lực giúp công việc trở nên đơn giản và nhẹ nhàng hơn, tăng độ chính xác và an toàn so với các phương pháp thủ công đồng thời nâng cao năng suất, hiệu quả trong cộng việc và giảm thiểu chi phí sản xuất. Chính vì vậy, các loại máy ép đang trở thành trợ thủ đắc lực của nhiều ngành công nghiệp và ứng dụng trong thực tế đời sống sản xuất.